1. Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện vào ngày 14/9/2024. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về dự và phát biểu chỉ đạo, trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Học viện. Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, viên chức, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong 75 năm qua: “…các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị, nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang với những thành tựu đáng tự hào”.
Năm 2024, là năm đánh dấu mốc son quan trọng của nhiều đơn vị trực thuộc: Kỷ niệm 75 năm Truyền thống Học viện Chính trị khu vực II; Học viện Chính trị khu vực III; 60 năm thành lập Viện Chủ nghĩa Xã hội khoa học; 40 năm thành lập Viện Nhà nước và Pháp luật; 40 năm thành lập Viện Văn hóa và Phát triển; 30 năm thành lập Viện Quyền con người.
2. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ theo chức danh, nhất là cấp chiến lược: Học viện đã bồi dưỡng 7.235 cán bộ của hệ thống chính trị, trong đó có 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV và nhiều lớp bồi dưỡng, trao đổi chuyên đề dành cán bộ cấp bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương, bí thư cấp huyện và tương đương… của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Ngày 25/11/2024, tại Học viện, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” cho hơn 600 cán bộ cấp cao của Trung ương gồm các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trực các Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIV, tổ trưởng tổ biên tập báo cáo chính trị của đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh và tương đương, học viên lớp Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Uỷ viên BCHTW Đảng khoá XIV và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Học viện.
3. Tổ chức Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, với hình thức trực tiếp tại Học viện và kết nối với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố, với sự tham gia của gần 2000 đại biểu là cán bộ trong hệ thống Học viện và đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Trung ương và các địa phương.
4. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện: Hoạt động khoa học của Học viện phát triển ngày càng khởi sắc, toàn diện về quy mô, số lượng và chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo đóng góp tích cực cho công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Học viện nghiên cứu, xây dựng 27 Báo cáo kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… Nhiều báo cáo nhận được ý kiến phản hồi tích cực của các cơ quan tiếp nhận. Tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” – Lần thứ nhất cho 04 công trình, cụm công trình đã xuất sắc đạt Giải: 02 công trình, cụm công trình đạt Giải Cống hiến, 01 công trình truy tặng Giải Cống hiến và 01 cụm công trình đạt Giải Triển vọng.
5. Tổ chức thành công Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư: chủ trì tổ chức thành công Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư với 468.735 tác phẩm dự thi (gấp gần 1,5 lần so với năm 2023), trên cả 05 loại hình là tạp chí/báo/phát thanh/truyền hình/video clip, trong đó có nhiều tác giả đến từ Trung Quốc, Lào, Hy Lạp. Lễ trao giải tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có sự tham dự của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được truyền hình trực tiếp trên VTV1, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong đời sống xã hội.
6. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Học viện đã quyết định sáp nhập, kiện toàn các đơn vị trong nội bộ: Viện Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình thành Viện Báo chí – Truyền thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; nâng tầm Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiệm kỳ 2021-2026; Thành lập Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Đề án 621; Ban Chủ nhiệm Đề án 979; Ban Chủ nhiệm Đề án 587. Học viện đã hoàn thành xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập các đơn vị. Theo Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; sáp nhập Học viện Hành chính quốc gia; Học viện đã giảm 23 đầu mối cấp vụ (tương đương 42%): từ 54 đầu mối trước khi sáp nhập xuống còn 31 đầu mối cấp vụ sau sáp nhập).
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên, Học viện tổ chức xét tặng danh hiệu “Tập thể kiểu mẫu” cho 2 đơn vị và tặng danh hiệu “Cán bộ trường Đảng mẫu mực” cho 4 cán bộ.
7. Triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn bài bản, đồng bộ, hiệu quả: Học viện đã tổ chức thẩm định và công nhận chuẩn mức 1 cho 12 trường chính trị: Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Đến nay có 21 trường chính trị đạt chuẩn mức 1.
8. Nâng cao chất lượng công tác hợp tác quốc tế: Học viện tham mưu trình Thủ tướng ban hành Đề án 621 “Đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; tổ chức 57 đoàn ra, vượt gần 120% kế hoạch, trong đó có 5 đoàn của đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, 7 đoàn dành cho Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV (đi Úc, Nhật, Hàn, Singapore) và hơn 40 đoàn vào.
9. Hiện đại hóa cơ sở vật chất: Ngày 17/9/2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Tổ chức Lễ gắn biển công trình kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học viện – Dự án Toà nhà ở học viên – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây là một tổ hợp kiến trúc hỗn hợp, hiện đại có quy mô 2 tháp 16 tầng nổi và 02 tầng hầm; với tổng số 370 phòng ở phục vụ cho 964 học viên; đưa vào sử dụng công trình Nhà ở học viên 15 tầng tại Học viện Chính trị khu vực I. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hạng mục của Dự án mô hình quản trị Học viện thông minh. Dự án đang triển khai thống nhất với các phần mềm liên thông, tích hợp toàn diện với các tính năng hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của Học viện trong tiến trình chuyển đổi số.
10. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Học viện: Đảng ủy Học viện ban hành 11 nghị quyết; 03 chương trình, 12 kế hoạch, 02 hướng dẫn… Điểm mới của các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo là bảo đảm rõ việc, rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ giải pháp, rõ nguồn lực, rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể thực hiện. Đảng ủy Học viện tập trung chỉ đạo xác định ngày thành lập Đảng bộ Học viện và các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ được Đảng ủy các cơ quan Trung ương công nhận. Tính đến nay, Đảng bộ Học viện đã trải qua 14 kỳ Đại hội. Năm 2025, Đảng bộ Học viện sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XV.
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH